Monday, November 6, 2017

Ẩn Cư

Những muốn lên rừng sống ẩn cư
Thiền thơ cạnh gối thế gian từ
Che tai tránh tiếng bàn vong thịnh
Ngoảnh mặt quên đời vẽ thực hư
Giảm bớt ưu phiền nên lãnh đạm
Tăng đều tuổi thọ hãy vô tư
Hương trà bóng nguyệt ngày vui hưởng
Để nhện giăng sầu chữ án thư

Bửu Tùng
6/11/2017

Friday, November 3, 2017

Vắt Chanh Bỏ Vỏ

Phụ nữ nay thừa lớp trẻ trung,
Ba lăm đến tuổi hãng ngưng dùng?
Nhiều em vướng phải vòng oan trái
Lắm chị chìm trong cảnh khốn cùng
Luật phạt tờ ra nghèo mắt kiểm
Khe chui mối lách thiếu tay lùng
Bên đường hướng định nền kinh tế
Kẻ vắt chanh xong vỏ ném thùng

Bửu Tùng
3/11/2017


Bài họa:

NGHỊCH LÝ

Nhà giáo vùng cao lúc trẻ trung
Bây giờ lớn tuổi họ không dùng
Lương hưu triệu mốt lâm nghèo đói
Trợ cấp vài trăm khổ cực cùng
Ít học nhiều tiền tìm việc dễ
Học cao không của mỏi chân lùng
Tuổi cao sức yếu già không nghỉ
Học giỏi học nhiều cũng bỏ thùng
04/11/2017 Nguyên Đình


Viết theo nguồn tin:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-80-percent-female-workers-over-35-forced-to-quit-their-jobs-11022017133651.html

Khi 80% nữ lao động trên 35 tuổi bị đào thải


Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Việt Nam ông Đào Ngọc Dung vừa rồi cho biết ở một số nơi, có đến 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc.

Con số 80% lao động nữ trên 35 tuổi bị buộc thôi việc được đưa ra sau một cuộc khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại một số doanh nghiệp. Cuộc khảo sát cho thấy, lý do chính được các doanh nghiệp đưa ra cũng chỉ nói chung chung là do cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào hôm 13/9 về báo cáo của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng lên án tình trạng này, gọi đây giống như hành động “vắt chanh bỏ vỏ” của các doanh nghiệp.

Đài RFA đã liên hệ với chị Hương, một nữ công nhân ở Bình Dương đã từng bị ép đến mức phải tự thôi việc khi chị bước qua tuổi 35. Chị Hương chia sẻ với chúng tôi:

Chỗ em cũng có và hầu như công ty nào cũng có hết. Lớn tuổi rồi làm việc cũng hay mệt nhọc hơn, vả lại làm ăn theo sản phẩm mà lớn tuổi thì năng suất công việc cũng chậm hơn tuổi trẻ. Trong khi đó, người làm lâu năm lương căn bản lại cao hơn. Vì vậy người ta muốn tuyển dụng tuổi trẻ hơn, thứ nhất là họ nhanh nhẹn hơn, và họ học việc cũng nhanh hơn. Và những công việc này cũng không cần nhiều kinh nghiệm cho lắm.

Chị Hương nói rằng phía công ty sẽ không tự động sa thải công nhân vì như vậy sẽ vi phạm hợp đồng và luật lao động. Tuy nhiên, họ có cách để công nhân phải tự xin nghỉ:

Ví dụ chị đang làm công việc đó người ta lại giao cho chị công việc khác để chị cảm thấy không phù hợp. Người ta có thể làm nhiều cách khi người ta không thích chị nữa. Công việc mới sẽ làm cho chị áp lực và chị phải nghỉ thôi. Con cái nữa, ví dụ con mình đang học hành ở chỗ đó bây giờ mình chuyển công tác chỗ khác thì phải chuyển trường cho con. Con nhỏ đã vất vả rồi, lại còn phải tính làm ca như thế nào. Nhiều bất lợi lắm.

Thống kê cho thấy năm 2016, có tới trên 960.000 nữ công nhân trên 35 tuổi ở các khu công nghiệp bị mất việc. Thậm chí có doanh nghiệp 1 năm thay đến 40% lao động vì chỉ tuyển người trẻ vào làm vài năm rồi lại tìm cách sa thải họ.

Phụ nữ ở tuổi 35 là tuổi trụ cột gia đình, nhưng lại bị buộc nghỉ việc, lâm vào tình trạng thất nghiệp khiến cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình trạng này. Ông Quảng cũng đồng tình rằng tình trạng này xảy ra tràn lan là do các doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí:

Họ nhiều tuổi rồi, sức khỏe yếu, độ nhanh nhậy cũng kém nên rất khó tăng năng suất, cũng như tăng ca. Trong khi đó doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí cho họ như bảo hiểm xã hội, tiền lương,…Doanh nghiệp cũng vì lợi nhuận của họ nên tìm mọi cách đẩy nữ lao động trên 35 tuổi ra khỏi công ty để giảm chi phí.

Theo ông Quảng, phụ nữ bị mất việc ở tuổi này sẽ gặp nhiều khó khăn cho cuộc sống của họ. Trước hết là khó khăn trong việc tìm công việc mới:

Họ có tuổi rồi thì các doanh nghiệp khác cũng không nhận. Họ đi học việc mới cũng rất khó khăn. Cho nên những lực lượng này nhiều trường hợp phải làm ở các tiệm tự do, hoặc quay về  nhà làm việc ở nông thôn. Thứ hai, khi không còn tham gia vào quan hệ lao động với các doanh nghiệp nữa thì thông thường họ không tham gia bảo hiểm xã hội nữa và họ nhận trợ cấp một lần. Như vậy sẽ ảnh hưởng cả an sinh xã hội về sau này nữa.

Theo nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam thì sau thất nghiệp ở độ tuổi từ 40-45, có tới 2/3 phụ nữ làm công việc nội trợ gia đình, công việc tự do, chỉ có hơn 27% buôn bán nhỏ và hơn 13% lao động nữ quay trở lại làm nông nghiệp.

Ông Đào Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lao động xã hội (Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội) nói với báo giới vào hôm 29/10 rằng vấn đề sa thải lao động trên 35 tuổi sẽ tác động lớn tới các vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội. Cụ thể trong quý 2/2017, cả nước có gần 219.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 113,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng cục Thống kê cho biết năm 2016, Việt Nam có 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó hơn 72% là nữ giới.

Ông Lê Đình Quảng nói rằng mặc dù hiện tại chưa có thống kê đầy đủ nhưng qua phản ánh của người lao động, ngành nghề thường hay đào thải lao động chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, giày da, thủy sản, lắp ráp điện tử…

Ông Trần Ngọc Thành, hiện đang sinh sống tại Áo, là một trong những người thành lập Liên đoàn lao động Việt nói với RFA rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng hàng loạt nữ lao động trên 35 bị đào thải là do trách nhiệm của Nhà nước:

Nếu Nhà nước biết rằng tất cả những hạn chế của xã hội cũng như công việc của người phụ nữ thì ngay từ khi họ còn ở nông thôn họ phải chú ý ngay từ đầu đến việc hướng nghiệp cho phụ nữ, cũng như chính sách xã hội và phát triển kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, thực ra tất cả những điều này ở Việt Nam họ đều thả nổi. Không có một chính sách nào trong việc đào tạo hướng nghề hay nhìn nhận vấn đề công bằng trong lao động giữa nam và nữ. Họ có nhiều cuộc hội thảo hay chính sách được đưa ra và họ nói rất kêu về vấn đề bảo đảm quyền lợi, bình đẳng nam nữ. Nhưng để người phụ nữ được đảm bảo quyền lợi và để phụ nữ được sống hay làm việc bằng nam giới còn rất xa vời.

Người phụ nữ luôn bị thiệt thòi trong mọi xã hội, nhất là những xã hội Việt Nam hiện nay.

Chính những người đại diện cơ quan chức năng của Việt Nam cũng thừa nhận những thiếu sót của Nhà nước khi để tình trạng này xảy ra. Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội hôm 13/9, bà Nguyễn Thanh Hải, trưởng ban Dân Nguyện của Quốc hội nói rằng nguyên nhân là do hành lang pháp lý của Việt Nam chưa quy định rõ vấn đề này. Trong khi đó, việc thanh tra còn kém hiệu quả nên không kịp phát hiện và xử lý để bảo vệ người lao động.

Hiện Việt Nam có đưa ra luật phạt đến 100 triệu đồng nếu doanh nghiệp sa thải lao động không lý do chính đáng, và bắt đầu từ năm 2018 có thể phạt tù đến 3 năm. Tuy nhiên Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam chỉ ra rằng các doanh nghiệp sẽ khôn khéo tìm cách để không phạm luật.

Ông Lê Đình Quảng nói rằng để tình trạng này giảm bớt, cần có những biện pháp cho cả Nhà nước và bản thân những nữ lao động:

Thứ nhất hệ thống pháp luật cũng cần xem xét để làm sao để tăng cường trách nhiệm về mặt luật pháp của doanh nghiệp với người lao động đã gắn bó lâu dài với mình. Về mặt thực thi pháp luật, phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, để họ không vi phạm pháp luật khi đẩy người lao động ra khỏi doanh nghiệp. Thứ ba, là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cũng như nâng cao tay nghề và hiểu biết pháp luật của người lao động. Như vậy người lao động sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Thành đồng tình với quan điểm cho rằng Nhà nước phải đưa ra chính sách ràng buộc giữa doanh nghiệp và lao động nữ trên 35 tuổi. Ngoài ra, cần tạo điều kiện đào tạo hướng nghiệp cho phụ nữ, đặc biệt ở nông thôn để họ nâng cao nhận thức. Ông cũng cho rằng, chính quyền địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để tạo điều kiện lao động thuận lợi hơn cho phụ nữ.




Treo Dê Bán Chó

Treo dê bán chó lãi tuôn vào
Thói tật di truyền những bản sao
Dán nhãn đồ sanh từ xứ Việt
Lòi tem thứ đẻ tận phương nào
Tham tiền miệng gạt ưa lừa túi
Chảy máu tay đùa thích nghịch dao
Hãy nhớ nhiều năm bồi bổn hiệu
Dăm hôm bể mánh khách quay chào

Bửu Tùng
3/11/2017

Viết nhân khi đọc tin tức về vụ Khaisilk.

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/khaisilk-ban-khan-lua-made-in-china-tu-lua-doi-den-thua-nhan-407021.html

http://soha.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-noi-ve-lua-tau-khaisilk-niem-tin-va-su-tu-hao-ve-mot-thuong-hieu-lua-do-nguoi-viet-lam-ra-da-sup-do-sau-mot-dem-20171030110539081rf20171030110539081.htm

Các bài họa: 

1 - Y Đề  

Đầu Dê thịt Chó cứ đưa vào
Sách vở "Đại Ca" cứ chép sao
Thuốc giả mang tên hàng ngoại nhập
Hàng hư nhản giả biết nơi nào?
Lòng nhân ngoài "MỎ" quân đồ tể
Đạo đức trong MỒM kẻ "thọt" dao
Luật pháp không nghiêm dân khốn khổ
Bao Công xử án cũng xin chào

04/11/2017 Nguyên Đình

2 - KẺ VÔ LIÊM SĨ

Gian thương trục lợi hốt tiền vào
Tráo trở bôi danh nhãn một sao
Chính hắn nô tàu nuôi giặc cướp
Tay nầy phản quốc trốn nơi nào
Dân lành bị bịp chờ công lý
Bọn lái lưu manh vẫn búa dao
Trả lại hàng mua đòi lẻ phải
Từ nay cảnh giác quay lưng chào

Hải Rừng
4/11/2017

Thursday, November 2, 2017


Thành kính tưởng niệm ngày giỗ thứ 54 của cố TT VNCH Ngô Đình Diệm, 2/11/1963 - 2/11/2017.

Dâng Nén Hương Lòng

Nhớ giỗ quỳ đây thắp nến lòng
Dâng hồn ái quốc nợ đền xong
Tâm hư đức tính cành đơn giản
Tiết trực tinh thần mắt sáng trong
Chí sĩ đời soi ngời lý tưởng
Anh hùng tiếng để rạng tư phong
Người đi bão nổi trời ly loạn
Vận nước lênh đênh cuốn giữa giòng

Bửu Tùng
1/11/2017


Các bài họa:

1 - Tưởng Nhớ

Quỳ dâng ngọn nến tỏ tâm lòng
Tưởng niệm hương hồn trả nợ xong
Chí sĩ thời cơ phô trí huệ
Anh hùng thế cuộc hiển uy phong
Vì dân dấn trải đường nguy biến
Ái quốc chung thề tiết sạch trong
Thế thái nhân tình nguồn lịch sử
Hậu sinh ghi tạc chuyển lưu giòng.
Mai Thắng - 171101

2 - VÌ NƯỚC
-/-
Diệt thân, vì bạn ở hai lòng
Nợ nước thù nhà, thế cũng xong
Đạo đức ngàn đời còn sáng lạng
Nhân thân hậu thế mãi xanh trong
Anh hùng một thuở, danh vang dội
Chí sĩ ngàn đời, tiếng khả phong
Sự nghiệp “kinh bang” chưa “tế thế”
Việt Nam trang sử vẫn ghi giòng.
Người Nay

3- THÀNH KÍNH NGHIÊNG MÌNH
 
Ân đức minh quân khắc tạc lòng
Than ôi! Định mệnh, trận cuồng phong
Dù nguy bất khuất, Ngời tâm sáng
Dẫu  chết can trường, tỏ đức trong
Yêu nước trọn đời sôi khí huyết
Thương nòi vẹn lẽ, tỏa ngôn phong
Hôm nay kỵ nhật xin thành kính 
Ghi nhớ công ơn, ngẫm ngược dòng…
CAO BỒI GIÀ
02-11-2017

Tuesday, October 31, 2017


Lạc Cánh Thu Vàng

(Cảm tác từ một câu thơ trên Facebook)

Lữ khách âm thầm đếm giọt ngâu
Mành trăng nhạt bóng rượu nghiêng bầu
Mưa dần dẫn nhớ chìm canh thẳm
Gió chợt lay hồn tỉnh khắc sâu
Trông cố quốc bềnh bồng mây rướm lệ
"Gọi ngàn xa thấp thoáng mộng rưng sầu"
Mềm sân lá rụng chiều xưa vắng
Để cánh Thu vàng lạc bấy lâu

Bửu Tùng
26/10/2017

"Gọi ngàn xa thấp thoáng mộng rưng sầu"
- CaDao

Các bài họa:

1 - Khúc Riêng

(bát láy)

Bên thềm lặng lẽ ngắm mưa ngâu
Đối bóng hoang hanh dốc cạn bầu
Chuếnh choáng thu vàng thêm nét đậm
Mơ màng dáng ngọ khuất thung sâu
Liễu gầy côi cút đời mùa lỗi
Lá mục lênh đênh đáy nguyệt sầu
Rưng rức đàn xưa chênh phiến mộng
Cung trầm vương vấn đến bao lâu?

CaDao

2 - NỖI NIỀM THƯƠNG NHỚ
-/-
Chiều tà tựa cửa ngắm mưa ngâu
Lai láng vần thơ, rượu cạn bầu
Nắng hạ lưa thưa còn quyến luyến
Buồn thu cô quạnh vẫn chìm sâu
Mơ màng tuổi trẻ, từng cơn mộng
Dai dẳng trời xưa, những giọt sầu
Ô thướt bắt cầu cho vạn thuở
Mối tình Ngưu Chức mãi bền lâu.

Thanh Trương

3 - Nửa Mùa Thu Chết


Niềm xa ướt đọng giọt mưa ngâu
Rượu đắng môi say uống cạn bầu
Lảo đảo màn đêm vần Nguyệt cạn
Dật dờ bóng tối mảnh hồn sâu
Cố hương vạn dặm lòng đan khổ
Viễn xứ ngàn khơi dạ dệt sầu
Lá rụng vàng phai đời nhạt nhẻo
Nửa mùa Thu chết lặn từ lâu
            Minh Thuý
        Tháng 10_2017

4 - MỎI CÁNH BAY RỒI!

Mây thấp ủ ê lất phất ngâu
Ngồi buồn nhấm nháp rượu lưng bầu
Tri âm thiếu bóng quạnh hiu đẫm
Tri kỷ không người trống vắng sâu
Góc biển mịt mù thương nuốt lệ
Chân trời biền biệt nhớ dâng sầu!
Mềm môi dốc cạn lòng ngây ngất
Mỏi cánh bay rồi hận chất lâu!!!

Tha Nhân
Camthành, Oct 26 2017

5 - LẠC GIỮA MIỀN THU

Thu về bủa lưới quạnh vòm ngâu
Bóng lẻ tìm nguôi dốc cạn bầu
Túy lúy hiên đời ngơ ngác thẳm
Dùng dằng bến phận mịt mờ sâu
Thiên đường ảo tưởng lòng thêm hẫng
Tục thế lầm mê ý tiếp sầu
Lá rụng sao hồn nghe thảng thốt
Xuân còn đợi nữa,đợi dài lâu !

Lý Đức Quỳnh

6 - NHỚ BẠN PHƯƠNG TRỜI


Lặng lẽ ngày thu rã rích ngâu
Buồn vui lại nhớ bạn cùng bầu
Đường mơ lối cỏ bờ sông cạn
Ngõ mộng nương dâu bến nước sâu
Cách biệt muôn trùng lòng hoen lệ
Từ ly vạn dặm dạ úa sầu
Hiên nhà mái lá hoài trông vọng
Cánh nhạn phương trời lạc đã lâu

Hương Thềm Mây

(GM.Nguyễn Đình Diệm)
28.10.2017

7- TÌNH TIỀN

Trời xanh lưu luyến chút mưa ngâu,
Thi sĩ vui thơ với rượu bầu,
Nguệch ngoạc mấy dòng ly đã cạn,
Vênh vang đôi ý mộng vùi sâu.
Ngẫm tình bèo bọt lòng ngao ngán
Nghĩ đạo rối ren dạ sững sầu!
Ả Chức cháng Ngưu là ảo ảnh,
Tình cùng tiền bạc mới dài lâu!

Hoành Trần

8 - RƯỢU ĐẮNG

Thi nhân cảm xúc với mưa ngâu
Nhấm nháp men cay, tửu trút bầu.
Nhớ đến quê cha, sầu chất ngất
Thương về đất mẹ, mộng chìm sâu.
Giang sơn trách bạn... sông hờn tủi
Xã tắc buồn ta... núi hận sầu.
Càng xỉn, càng say, càng hổ thẹn
Rượu dân, rượu  nước, uống chi lâu!

Duy Anh
26/10/2017

9 - CHẲNG CÒN XA
       
Thương ai trời khóc đổ mưa ngâu
Nhớ nước buồn đau trút cạn bầu
Mất mẹ đàn con buồn chất chứa
Xa cha lũ trẻ mộng tàn sâu
Đồng minh bán bạn... lòng ray rức
Đồng chí xâm lăng... dạ oán  sầu
Ước nguyện đoàn viên ngày tái ngộ
Rượu mừng đoàn tụ chẳng còn lâu

28/10/2017 Nguyên Đình
Chớ Lơ Là

Hiền lương tám mạng cướp đi rồi

Máu đổ trên đường Nữu Ước tôi
Dạo phố chân lành quay chậm rãi
Dùng xe gót dữ cán liên hồi
Cưu mang dạ khỉ ân thì khuất
Cứu vớt lòng ong oán lại trồi
Mở mắt ra nhìn cho hợp lẽ
Lơ là chính khách hại đời thôi

Bửu Tùng
31/10/2017
 
Bài họa:

TỈNH NGỘ MAU

Lũ quỷ cướp đi tám mạng rồi!
Đớn đau quặn thắt cõi lòng tôi
Chúc người đã mất mau siêu thoát
Chúc kẻ bị thương chóng phục hồi
Càng hận càng căm tình, đức mất
Càng tha càng giúp nghĩa, ân trồi
Nếu không tỉnh ngộ làm người tốt
Địa ngục đang chờ lũ quỷ thôi
01/11/2017 Nguyên Đình

Wednesday, January 18, 2017



Vọng Phu

(Riêng tặng điêu khắc gia Nguyễn Văn Khoát)

Bão trút mưa lùa đứng vọng phu
Miền xa cảm tử chống quân thù
Tay xoa tóc trẻ đùa sương Hạ
Mắt dõi mây ngàn đợi gió Thu
Giục tiết Đông tàn nơi giá lạnh
Kêu đàn én lượn nẻo hoang vu
Xuân về mấy độ mùa chinh chiến
Hoá thạch còn trông bóng mịt mù

Bửu Tùng
18/1/2016

Ảnh nhận từ điêu khắc gia Nguyễn Văn Khoát. Tác phẩm Vọng Phu đã nhận được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật 1969 tại Sài Gòn.

Saturday, January 14, 2017


Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa

(Thành kính tưởng niệm các chiến sĩ VNCH đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa ngày 19/1/1974)

Ôn ngày hải chiến sử buồn trang
Dũng hạm nhà Nam nhuộm máu chàng
Thiếu phụ bồng con tràn lệ úa
Nhang đèn tỏa khói quyện mành tang
Đời dâng đất Mẹ giờ nguy khốn
Đảo gọi màu cờ buổi mở mang
Gió chuyển hoa lòng nương nhịp sóng
Ru hồn Tử Sĩ tiếng hoài vang

Bửu Tùng
6/1/2017





Các bài họa:


1. TƯỞNG NIỆM TỬ SĨ HOÀNG SA


Nhớ lại Việt Tàu chiến sử trang .
Hy sinh tuôn chảy máu đào chàng.
Sinh ly, thiếu phụ rơi dòng lệ
Tử biệt, con thơ quấn mảnh tang.
Giặc Bắc xâm lăng thù chửa trả.
Đồng minh phản bội hận còn mang.
Anh hùng quyết tử vì sông núi.
Hải trận vong thân, tiếng mãi vang!...

DUY ANH
Xuân Đinh Dậu
06/01/2017

2. Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa

Bên dòng lịch sử đã ghi trang
Tô đậm công lao thân xác chàng
Thiếu phụ ngày ngày còn héo úa
Trẻ thơ mãi mãi vẫn màu tang
Quê hương muôn thuở tình ghi khắc
Tổ quốc bao đời nghĩa đậm mang
Mặc kẻ vong ơn người chí sĩ
Một lòng chúc tụng tiếng ca vang

Duy Nguyên

3. Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa


Nhắc lại Hoàng Sa lệ ướt trang
Ngậm ngùi thương nhớ biết bao chàng
Lắm phen dân tộc khơi nguồn sống
Một thuở sơn hà nhuộm tóc tang
Giặc Bắc biên cương hoài lấn chiếm
Người Nam biển đảo mãi cưu mang
Anh hùng vị quốc vong thân ấy
Dòng dõi Tiên Rồng - sử vẻ vang

Linh Đàn

4. Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa


Dù rằng sử sách đã sang trang
Biển đảo thân yêu vẫn nhớ chàng
Tướng giỏi, quân hùng khơi trận mạc
Thế cô, sức yếu. chịu màu tang
Hận thù muôn thuở còn chưa dứt
Uất hận nghìn năm vẫn mãi mang
Con cháu Lạc Hồng luôn bất khuất
Chiến công hiển hách mãi âm vang

Văn Thanh



5. VINH DANH TỬ SĨ

Bảy tư ngày ấy sử ghi trang
Oanh liệt oai linh máu các chàng
Hải đảo lưu danh trai tuấn kiệt
Biển đông nhòa lệ mãnh khăn  tang
Tiếc thương biết mấy người nhân ái
Oán giận làm sao loại hổ  mang
Lang sói muôn đời loài chó dại
Anh hùng bất khuất tiếng còn vang

7/1/2017  Văn Nguyễn

6. Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa


Nhớ ngày hải chiến! Sử không trang
Không dòng ghi nhớ chiến công chàng
Khắc khoải lòng đau màu cỏ úa
Tuổi xuân quấn chặt mãnh khăn tang
Ra đi đất mẹ còn nguy khốn
Đảo cũ, ngàn thu vẫn còn mang
Vòng hoa ghi nhớ nương nhịp sóng
Vong hồn tử sỹ! Vẫn còn vang

Lê Thành Tân 12g 07/1/17

7. Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa

Cho dù lịch sử đã thay trang
Vẫn nhớ Hoàng Sa vẫn nhớ chàng
Đánh đuổi quân thù thân dẫu nát
Liều xông giết giặc xác dù tan
Lòng dân muôn thuở đời ơn tạc
Tổ quốc nghìn năm sử chiếu mang
Sông núi hồn thiêng luôn khắc giữa
Anh hùng đất Việt mãi còn vang.

Trần Văn Quỳnh 6/1/2017

8. HẢI CHIẾN!

Bảy tư hải chiến dở từng trang.
Súng đạn rền vang phủ bóng chàng.
Trận chiến bất cân đành thúc thủ.
Sa trường thế yếu phủ màu tang.
Giang san quyết giử dù hơi tận.
Tổ quốc cố gìn chí nặng mang.
Bia tạc trong hồn con đất Việt.
Căm hờn tiếng vọng mãi còn vang.

Thanhtong Ha

9. Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa

Quân sử Nam miền ghi rõ trang
Ngày này năm ấy máu bao chàng
Quyết vì biến đảo quên thân xác
Thề giữ biên cương đẫm lệ tang
Quần thảo đối tàu muôn thế hiểm
Chi huy hạm nạn cố đeo mang
Muôn đời ghi tạc danh anh liệt
Hải chiến Hoàng Sa mãi dội vang.

Văn Thiên Tùng.

10. Đậm Trang Sử Việt.


Sử Việt mai sau sẽ đậm trang
Hoàng Sa,sóng dậy gọi tên chàng
Văn Thà, biển cả hờn sinh tử *
Nguyễn Trí, núi sông vấn mảnh tang *
Tấc đất giang sơn không để mất
Thước sông Tổ Quốc quyết cưu mang
Hồn thiêng tử sĩ trăng chênh chếch
Gió gọi đêm đêm dội tiếng vang./.

*Hạm trưởng và hạm phó chiến hạm Nhật Tảo.
Oklahoma City, 07/01/2017 TĐL.


11. Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa

Hoàng Sa chiến sử thắm từng trang
Vận nước xui nên thiếp mất chàng !
Dân tộc bàng hoàng sôi máu hận
Gia đình đau đớn phủ màu tang !
Đại dương quyết tử công toan lập
Cô đảo nan toàn nghiệp phải mang.
Thân dẫu vùi sâu trong biển thẳm
Tinh thần trung liệt mãi còn vang.

Linh Công

12. Hoàng Sa Ơi! Hoàng Sa...

Việt Sử buồn ơi có những trang
Tái tê lòng thiếp đớn đau chàng
Người thân xác đã chìm trong biển
Kẻ tóc tơ còn buộc dải tang!
Cuộc chiến khi không ngoài giới hạn
Nỗi buồn ai khiến cứ mênh mang?
Hoàng Sa xây dựng bao đời trước
Nay chỉ còn nghe tiếng sóng vang...

Huệ Thu

13. Hồn Tử Sĩ

Sử xanh ghi lại triệu ngàn  trang
Quân giặc xâm lăng hút máu chàng
Quá phụ lìa chồng khô nước mắt
Trẻ thơ mất bố chít khăn tang
Đồng minh phản bội quân lừa đảo
Đồng chí gian tham lũ hổ mang
Dân Việt giữ gìn non nước Việt
Tinh thần bất khuất tiếng rền vang

08/01/2017 Nguyên Đình

14. MÁU NHÒE TRANG SỬ

Hoàng sa sử Việt máu nhòe trang
Con dại mất cha,thiếp mất chàng
Ngọn giáo Cộng Hòa theo vận nước
Mũi thuyền Tổ Quốc quấn vành tang
Đồng minh ngoảnh mặt lờ quân cướp
Đồng chí khom lưng đón hổn mang
Ai oán chơi vơi hồn tử sĩ
Biển buồn chau mặt, sóng gầm vang.

Orlando Jan.8.2017
ĐẠT NHÂN

15. Tử Sĩ Hoàng Sa - Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974

Lịch sử kiêu hùng luôn giữ trang
Xả thân vì nước khắc tên chàng.
Biển Đông dậy sóng ngày binh biến.
Trời Việt tràn mi buổi quốc tang.
Chiến sĩ hy sinh lòng dũng cảm.
Người dân thương tiếc nợ vương mang
Mai nầy tổ quốc ghi ơn mãi.
Trận chiến Hoàng Sa dội tiếng vang.

Mặc Lan Đình. Ngày 8/1/2017



16. TƯỞNG NIỆM

Nhớ lại năm nào chiến sử trang
Bảy tư, 'Nhựt Tảo' ghi công chàng
Vợ con nước mắt dầm châu rớt
Chiến hữu khói hương đẫm tóc tang
Giờ  phút sinh ly càng uất hận
Nước non thương tiếc mãi ơn mang
Một lòng tưởng niệm Hoàng Sa đó
Toàn thể Trời Nam vọng tiếng vang.

LƯU HÒAI
9/1/2017

17. Tưởng Niệm Hoàng Sa


Bốn mấy năm rồi lệ ướt trang
Từng dòng danh sử, nhớ thương chàng
Khóc người chiến sĩ, cờ treo rũ
Hận kẻ xâm lăng, vải quấn tang
Biển đảo ngày nào đừng bỏ mặc
Nước non hiện tại gắng cưu mang
Lòng thành một nén hương dâng kính
Tưởng niệm Hoàng Sa luôn mãi vang

Hoàng Dũng

18. TƯỞNG NHỚ HOÀNG SA
   
Oan ức Hoàng Sa đẫm mỗi trang,
Đầy vơi giọt lệ, tiễn đưa chàng.
Anh hùng, một thuở thây da ngựa,
Dân tộc, nghìn thu vấn mảnh tang.
Tổ quốc lâm nguy chung sức gánh
Giang sơn nghiêng ngả nở riêng mang?
Anh về với biển, lòng chưa toại,
Hỡi Ngụy văn Thà, dậy tiếng vang.

Lão Bút 09/01/2017.






Friday, January 13, 2017

Máu và Tết

Ốm đói còn tuôn cả máu đào?
Gom hoài chửa nặng đủ hầu bao?
Tiền muôn kẻ chặn đầy nơi thấp
Bạc tỷ người tuồn khắp đỉnh cao
Vẳng chuỗi câu cười trêu gái rượu
Xen từng tiếng khóc vọng trời sao
Xuân về thiếu gạo lòng ai oán
Tết của dân nghèo lạc chốn nao?

Bửu Tùng
13/01/2017

Nguồn tin:

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170109/luat-bat-buoc-hien-mau-tinh-nguyen-tranh-cai-ngay-tu-du-thao/1249387.html

Tranh cãi xung quanh đề nghị bắt buộc hiến máu 1 lần/năm


09/01/2017 13:40 GMT+7

TTO - Trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế để lấy ý kiến đưa vào dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, có đề nghị quy định bắt buộc hiến máu 1 năm/lần, ngoại trừ trường hợp không thể hiến máu.

Sáng 9-1, Bộ Y tế công bố dự thảo Luật về máu và tế bào gốc cho báo chí. Trong đó, Bộ Y tế cho biết báo cáo đánh giá tác động đề nghị quy định bắt buộc hiến máu 1 năm/lần, ngoại trừ trường hợp không thể hiến máu.

Trong lời giới thiệu, đại diện Bộ Y tế cho biết đang có hai phương án: bắt buộc hiến máu (như kể trên) và phương án hai là tình nguyện hiến máu như hiện nay.

Quan điểm của nhiều chuyên gia trong Bộ Y tế là nghiêng về phương án hai.

Theo thống kê của Viện Huyết học truyền máu T.Ư, năm 2016 cả nước tiếp nhận được trên 1,2 đơn vị máu (350 ml/đơn vị), tính cả người hiến máu loại 250 ml thì có tổng số trên 1,4 triệu đơn vị máu được hiến tặng, tương đương 1,52% dân số. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi quốc gia có 2% dân số tham gia hiến máu là đảm bảo đủ máu cho điều trị.

So với năm 2003, cả nước có 21% máu hiến tặng là tình nguyện (được trả tiền) thì năm 2016 khoảng 98% máu hiến tặng là hoàn toàn tình nguyện là một bước tiến rất dài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 9-1, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nhận định có thể sau này khi đệ trình Quốc hội, Luật này có thể đổi là “Luật hiến máu và hiến tế bào gốc”. “Đây là điều văn minh và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có quy định tương tự”- ông Trí nói.

Tuy nhiên theo ông Trí, dù việc hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào lớn và đi vào ý thức của nhiều người dân, nhưng có luật sẽ có cơ sở pháp lý, mọi người phải tuân theo. Ông Trí cũng dẫn ví dụ ở Trung Quốc trước năm 1999 xấp xỉ 100% máu điều trị là từ người bán máu chuyên nghiệp, nhưng sau 2005 (sau khi có Luật bắt buộc hiến máu) thì 98% máu điều trị từ người hiến tặng.

Dù Luật về máu và tế bào gốc mới ở khâu dự thảo, nhưng đang khá gây tranh cãi, nhất là trong điều kiện hiện nay mới huy động tình nguyện nhưng lượng máu hiến tặng đã gần tương đương khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, vì sao lại còn cần phải bắt buộc hiến máu?

Mời bạn đọc theo dõi toàn văn các ý kiến về vấn đề này trên báo Tuổi Trẻ ngày 10-1 và các bản tin kế tiếp trên Tuổi Trẻ Online.

LAN ANH