Monday, November 6, 2017

Ẩn Cư

Những muốn lên rừng sống ẩn cư
Thiền thơ cạnh gối thế gian từ
Che tai tránh tiếng bàn vong thịnh
Ngoảnh mặt quên đời vẽ thực hư
Giảm bớt ưu phiền nên lãnh đạm
Tăng đều tuổi thọ hãy vô tư
Hương trà bóng nguyệt ngày vui hưởng
Để nhện giăng sầu chữ án thư

Bửu Tùng
6/11/2017

Friday, November 3, 2017

Vắt Chanh Bỏ Vỏ

Phụ nữ nay thừa lớp trẻ trung,
Ba lăm đến tuổi hãng ngưng dùng?
Nhiều em vướng phải vòng oan trái
Lắm chị chìm trong cảnh khốn cùng
Luật phạt tờ ra nghèo mắt kiểm
Khe chui mối lách thiếu tay lùng
Bên đường hướng định nền kinh tế
Kẻ vắt chanh xong vỏ ném thùng

Bửu Tùng
3/11/2017


Bài họa:

NGHỊCH LÝ

Nhà giáo vùng cao lúc trẻ trung
Bây giờ lớn tuổi họ không dùng
Lương hưu triệu mốt lâm nghèo đói
Trợ cấp vài trăm khổ cực cùng
Ít học nhiều tiền tìm việc dễ
Học cao không của mỏi chân lùng
Tuổi cao sức yếu già không nghỉ
Học giỏi học nhiều cũng bỏ thùng
04/11/2017 Nguyên Đình


Viết theo nguồn tin:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-80-percent-female-workers-over-35-forced-to-quit-their-jobs-11022017133651.html

Khi 80% nữ lao động trên 35 tuổi bị đào thải


Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Việt Nam ông Đào Ngọc Dung vừa rồi cho biết ở một số nơi, có đến 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc.

Con số 80% lao động nữ trên 35 tuổi bị buộc thôi việc được đưa ra sau một cuộc khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại một số doanh nghiệp. Cuộc khảo sát cho thấy, lý do chính được các doanh nghiệp đưa ra cũng chỉ nói chung chung là do cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào hôm 13/9 về báo cáo của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng lên án tình trạng này, gọi đây giống như hành động “vắt chanh bỏ vỏ” của các doanh nghiệp.

Đài RFA đã liên hệ với chị Hương, một nữ công nhân ở Bình Dương đã từng bị ép đến mức phải tự thôi việc khi chị bước qua tuổi 35. Chị Hương chia sẻ với chúng tôi:

Chỗ em cũng có và hầu như công ty nào cũng có hết. Lớn tuổi rồi làm việc cũng hay mệt nhọc hơn, vả lại làm ăn theo sản phẩm mà lớn tuổi thì năng suất công việc cũng chậm hơn tuổi trẻ. Trong khi đó, người làm lâu năm lương căn bản lại cao hơn. Vì vậy người ta muốn tuyển dụng tuổi trẻ hơn, thứ nhất là họ nhanh nhẹn hơn, và họ học việc cũng nhanh hơn. Và những công việc này cũng không cần nhiều kinh nghiệm cho lắm.

Chị Hương nói rằng phía công ty sẽ không tự động sa thải công nhân vì như vậy sẽ vi phạm hợp đồng và luật lao động. Tuy nhiên, họ có cách để công nhân phải tự xin nghỉ:

Ví dụ chị đang làm công việc đó người ta lại giao cho chị công việc khác để chị cảm thấy không phù hợp. Người ta có thể làm nhiều cách khi người ta không thích chị nữa. Công việc mới sẽ làm cho chị áp lực và chị phải nghỉ thôi. Con cái nữa, ví dụ con mình đang học hành ở chỗ đó bây giờ mình chuyển công tác chỗ khác thì phải chuyển trường cho con. Con nhỏ đã vất vả rồi, lại còn phải tính làm ca như thế nào. Nhiều bất lợi lắm.

Thống kê cho thấy năm 2016, có tới trên 960.000 nữ công nhân trên 35 tuổi ở các khu công nghiệp bị mất việc. Thậm chí có doanh nghiệp 1 năm thay đến 40% lao động vì chỉ tuyển người trẻ vào làm vài năm rồi lại tìm cách sa thải họ.

Phụ nữ ở tuổi 35 là tuổi trụ cột gia đình, nhưng lại bị buộc nghỉ việc, lâm vào tình trạng thất nghiệp khiến cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình trạng này. Ông Quảng cũng đồng tình rằng tình trạng này xảy ra tràn lan là do các doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí:

Họ nhiều tuổi rồi, sức khỏe yếu, độ nhanh nhậy cũng kém nên rất khó tăng năng suất, cũng như tăng ca. Trong khi đó doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí cho họ như bảo hiểm xã hội, tiền lương,…Doanh nghiệp cũng vì lợi nhuận của họ nên tìm mọi cách đẩy nữ lao động trên 35 tuổi ra khỏi công ty để giảm chi phí.

Theo ông Quảng, phụ nữ bị mất việc ở tuổi này sẽ gặp nhiều khó khăn cho cuộc sống của họ. Trước hết là khó khăn trong việc tìm công việc mới:

Họ có tuổi rồi thì các doanh nghiệp khác cũng không nhận. Họ đi học việc mới cũng rất khó khăn. Cho nên những lực lượng này nhiều trường hợp phải làm ở các tiệm tự do, hoặc quay về  nhà làm việc ở nông thôn. Thứ hai, khi không còn tham gia vào quan hệ lao động với các doanh nghiệp nữa thì thông thường họ không tham gia bảo hiểm xã hội nữa và họ nhận trợ cấp một lần. Như vậy sẽ ảnh hưởng cả an sinh xã hội về sau này nữa.

Theo nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam thì sau thất nghiệp ở độ tuổi từ 40-45, có tới 2/3 phụ nữ làm công việc nội trợ gia đình, công việc tự do, chỉ có hơn 27% buôn bán nhỏ và hơn 13% lao động nữ quay trở lại làm nông nghiệp.

Ông Đào Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lao động xã hội (Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội) nói với báo giới vào hôm 29/10 rằng vấn đề sa thải lao động trên 35 tuổi sẽ tác động lớn tới các vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội. Cụ thể trong quý 2/2017, cả nước có gần 219.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 113,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng cục Thống kê cho biết năm 2016, Việt Nam có 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó hơn 72% là nữ giới.

Ông Lê Đình Quảng nói rằng mặc dù hiện tại chưa có thống kê đầy đủ nhưng qua phản ánh của người lao động, ngành nghề thường hay đào thải lao động chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, giày da, thủy sản, lắp ráp điện tử…

Ông Trần Ngọc Thành, hiện đang sinh sống tại Áo, là một trong những người thành lập Liên đoàn lao động Việt nói với RFA rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng hàng loạt nữ lao động trên 35 bị đào thải là do trách nhiệm của Nhà nước:

Nếu Nhà nước biết rằng tất cả những hạn chế của xã hội cũng như công việc của người phụ nữ thì ngay từ khi họ còn ở nông thôn họ phải chú ý ngay từ đầu đến việc hướng nghiệp cho phụ nữ, cũng như chính sách xã hội và phát triển kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, thực ra tất cả những điều này ở Việt Nam họ đều thả nổi. Không có một chính sách nào trong việc đào tạo hướng nghề hay nhìn nhận vấn đề công bằng trong lao động giữa nam và nữ. Họ có nhiều cuộc hội thảo hay chính sách được đưa ra và họ nói rất kêu về vấn đề bảo đảm quyền lợi, bình đẳng nam nữ. Nhưng để người phụ nữ được đảm bảo quyền lợi và để phụ nữ được sống hay làm việc bằng nam giới còn rất xa vời.

Người phụ nữ luôn bị thiệt thòi trong mọi xã hội, nhất là những xã hội Việt Nam hiện nay.

Chính những người đại diện cơ quan chức năng của Việt Nam cũng thừa nhận những thiếu sót của Nhà nước khi để tình trạng này xảy ra. Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội hôm 13/9, bà Nguyễn Thanh Hải, trưởng ban Dân Nguyện của Quốc hội nói rằng nguyên nhân là do hành lang pháp lý của Việt Nam chưa quy định rõ vấn đề này. Trong khi đó, việc thanh tra còn kém hiệu quả nên không kịp phát hiện và xử lý để bảo vệ người lao động.

Hiện Việt Nam có đưa ra luật phạt đến 100 triệu đồng nếu doanh nghiệp sa thải lao động không lý do chính đáng, và bắt đầu từ năm 2018 có thể phạt tù đến 3 năm. Tuy nhiên Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam chỉ ra rằng các doanh nghiệp sẽ khôn khéo tìm cách để không phạm luật.

Ông Lê Đình Quảng nói rằng để tình trạng này giảm bớt, cần có những biện pháp cho cả Nhà nước và bản thân những nữ lao động:

Thứ nhất hệ thống pháp luật cũng cần xem xét để làm sao để tăng cường trách nhiệm về mặt luật pháp của doanh nghiệp với người lao động đã gắn bó lâu dài với mình. Về mặt thực thi pháp luật, phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, để họ không vi phạm pháp luật khi đẩy người lao động ra khỏi doanh nghiệp. Thứ ba, là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cũng như nâng cao tay nghề và hiểu biết pháp luật của người lao động. Như vậy người lao động sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Thành đồng tình với quan điểm cho rằng Nhà nước phải đưa ra chính sách ràng buộc giữa doanh nghiệp và lao động nữ trên 35 tuổi. Ngoài ra, cần tạo điều kiện đào tạo hướng nghiệp cho phụ nữ, đặc biệt ở nông thôn để họ nâng cao nhận thức. Ông cũng cho rằng, chính quyền địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để tạo điều kiện lao động thuận lợi hơn cho phụ nữ.




Treo Dê Bán Chó

Treo dê bán chó lãi tuôn vào
Thói tật di truyền những bản sao
Dán nhãn đồ sanh từ xứ Việt
Lòi tem thứ đẻ tận phương nào
Tham tiền miệng gạt ưa lừa túi
Chảy máu tay đùa thích nghịch dao
Hãy nhớ nhiều năm bồi bổn hiệu
Dăm hôm bể mánh khách quay chào

Bửu Tùng
3/11/2017

Viết nhân khi đọc tin tức về vụ Khaisilk.

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/khaisilk-ban-khan-lua-made-in-china-tu-lua-doi-den-thua-nhan-407021.html

http://soha.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-noi-ve-lua-tau-khaisilk-niem-tin-va-su-tu-hao-ve-mot-thuong-hieu-lua-do-nguoi-viet-lam-ra-da-sup-do-sau-mot-dem-20171030110539081rf20171030110539081.htm

Các bài họa: 

1 - Y Đề  

Đầu Dê thịt Chó cứ đưa vào
Sách vở "Đại Ca" cứ chép sao
Thuốc giả mang tên hàng ngoại nhập
Hàng hư nhản giả biết nơi nào?
Lòng nhân ngoài "MỎ" quân đồ tể
Đạo đức trong MỒM kẻ "thọt" dao
Luật pháp không nghiêm dân khốn khổ
Bao Công xử án cũng xin chào

04/11/2017 Nguyên Đình

2 - KẺ VÔ LIÊM SĨ

Gian thương trục lợi hốt tiền vào
Tráo trở bôi danh nhãn một sao
Chính hắn nô tàu nuôi giặc cướp
Tay nầy phản quốc trốn nơi nào
Dân lành bị bịp chờ công lý
Bọn lái lưu manh vẫn búa dao
Trả lại hàng mua đòi lẻ phải
Từ nay cảnh giác quay lưng chào

Hải Rừng
4/11/2017

Thursday, November 2, 2017


Thành kính tưởng niệm ngày giỗ thứ 54 của cố TT VNCH Ngô Đình Diệm, 2/11/1963 - 2/11/2017.

Dâng Nén Hương Lòng

Nhớ giỗ quỳ đây thắp nến lòng
Dâng hồn ái quốc nợ đền xong
Tâm hư đức tính cành đơn giản
Tiết trực tinh thần mắt sáng trong
Chí sĩ đời soi ngời lý tưởng
Anh hùng tiếng để rạng tư phong
Người đi bão nổi trời ly loạn
Vận nước lênh đênh cuốn giữa giòng

Bửu Tùng
1/11/2017


Các bài họa:

1 - Tưởng Nhớ

Quỳ dâng ngọn nến tỏ tâm lòng
Tưởng niệm hương hồn trả nợ xong
Chí sĩ thời cơ phô trí huệ
Anh hùng thế cuộc hiển uy phong
Vì dân dấn trải đường nguy biến
Ái quốc chung thề tiết sạch trong
Thế thái nhân tình nguồn lịch sử
Hậu sinh ghi tạc chuyển lưu giòng.
Mai Thắng - 171101

2 - VÌ NƯỚC
-/-
Diệt thân, vì bạn ở hai lòng
Nợ nước thù nhà, thế cũng xong
Đạo đức ngàn đời còn sáng lạng
Nhân thân hậu thế mãi xanh trong
Anh hùng một thuở, danh vang dội
Chí sĩ ngàn đời, tiếng khả phong
Sự nghiệp “kinh bang” chưa “tế thế”
Việt Nam trang sử vẫn ghi giòng.
Người Nay

3- THÀNH KÍNH NGHIÊNG MÌNH
 
Ân đức minh quân khắc tạc lòng
Than ôi! Định mệnh, trận cuồng phong
Dù nguy bất khuất, Ngời tâm sáng
Dẫu  chết can trường, tỏ đức trong
Yêu nước trọn đời sôi khí huyết
Thương nòi vẹn lẽ, tỏa ngôn phong
Hôm nay kỵ nhật xin thành kính 
Ghi nhớ công ơn, ngẫm ngược dòng…
CAO BỒI GIÀ
02-11-2017